Nói chuyện trên đài SÀI GÒN-HOUSTON (23/8/2018)
(Đề tài: Chữ HIẾU ở người Việt Nam trong và ngoài nước)
QL= Thưa quý thính giả,
Đây là chương trình Văn Hóa Việt do Trường Truyền Thống Việt (TTTV) phụ trách, đến với quý thính giả của đài Sài Gòn- Houston (SGH) mỗi tháng một lần, vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư. Quý Linh xin kính chào quý thính giả của đài SGH.
Hôm nay, nhân lễ VU LAN, mùa báo hiếu Cha Mẹ, chúng tôi mời BS. Nguyễn Quý Khoáng đến với chương trình Văn Hóa Việt trong đề tài=
“Chữ HIẾU ở người Việt Nam trong và ngoài nước”
Chúng tôi xin mời BS. Khoáng lên tiếng chào quý thính giả của đài SGH.
QK= Xin kính chào quý vị thính giả đài Sàigòn-Houston. Tôi rất hân hạnh được tham gia buổi nói chuyện hôm nay.
QL= Thưa quý thính giả, BS. Nguyễn Quý Khoáng đã đến với chương trìnhVăn Hóa Việt nhiều lần. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin được có đôi lời giới thiệu về BS. Nguyễn Quý Khoáng với những quý thính giả mới nghe BS. Khoáng lần đầu.
Bác sĩ NGUYỄN QUÝ KHOÁNG
- Tốt nghiệp Đại học Y Khoa Saigon khóa 1968-1975 với chuyên khoa X Quang.
- Được bổ nhiệm làm việc tại bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Tây Ninh từ 1977 đến 1983. Làm việc tiếp tục tại bệnh viện An Bình (là bệnh viện Triều Châu, Saigon, trước 1975) từ 1983 đến 2009 với chức vụ lả Trưởng Khoa X Quang đồng thời là chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh (là tên mới của ngành X Quang) Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Saigon.
- Được mời sang Pháp làm giảng sư X Quang (Maitre de conférences invité en Radiologie) tại Đại học Y khoa Nancy những năm 1997, 1998 và 1999.
- Nghỉ hưu năm 2009 nhưng tiếp tục làm việc tại Trung tâm Chẩn đoán Y Khoa Medic và giảng dạy tại các viện, trường cho đến năm 2013.
- Định cư tại Hoa Kỳ, bang North Carolina năm 2013 theo diện đoàn tụ gia đình.
- Từ năm 2014, lập một Website về Chẩn đoán hình ảnh <www.cdhanqk.com> để truyền đạt các kiến thức chuyên môn X Quang tới các đồng nghiệp và sinh viên Y khoa cùng các kỹ thuật viên X Quang.
QL=Thưa quý thính giả, vừa rồi là phần giới thiệu BS. Nguyễn Quý Khoáng.
Chúng tôi xin bắt đầu đề tài của chương trình ngày hôm nay là bàn về Chữ Hiếu ở người Việt Nam trong và ngoài nước như thế nào.
Câu 1/ Thưa Anh, xin Anh cho biết người Việt chúng ta quan niệm như thế nào về chữ hiếu? Một người con có hiếu là một người như thế nào?
QK= Lúc còn nhỏ, tôi thường nghe Mẹ tôi ngâm bài “Mẫn Tử Khiên” trong quyển “Nhị Thập tứ hiếu” để ru tôi và các em tôi ngủ. Tôi rất cảm động đoạn Mẫn Tử xin cha tha tội cho dì ghẻ đã đối xử tệ với cậu:
“ Gạt nước mắt chân quỳ miệng gởi.
Lạy cha xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn chịu một thân đơn.
Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.
Cha trông xuống lệ sa giọt tủi.
Mẹ nghe lời cũng đổi lòng xưa,
Cho hay hiếu cảm nên từ.
Thấm lâu như đá cũng nhừ lọ ai?” (Thơ: Lý Văn Phức)
Tôi xin phép được tóm tắt câu chuyện như sau:
Thời Xuân Thu, có người con hiếu thảo tên là Mẫn Tử Khiên, sau này là đệ tử Đức Khổng Tử. Mẹ cậu mất sớm, cha tái giá và mẹ kế sinh được hai người em. Bà thường xuyên ngược đãi cậu. Một mùa đông, mẹ kế dùng bông lau nhồi vào vải may áo cho cậu nhưng lại may cho hai người em áo độn bông gòn. Vừa lúc cha cần đi xa bảo cậu kéo xe, trời quá lạnh và quần áo không đủ ấm nên cậu run rẩy khiến dây kéo xe tuột mất. Cha tức giận lấy roi quất Mẫn Tử Khiên khiến áo cậu rách lòi ra bông lau, lúc ấy cha mới hiểu. Rất tức giận, ông liền về nhà định đuổi người mẹ kế đi. Mẫn Tử Khiên quỳ xuống vừa khóc vừa thưa với cha “ Cha ơi, cha đừng đuổi mẹ đi, bởi vì khi có mẹ, chỉ một mình con chịu lạnh, nếu mẹ đi rồi, con và hai em đều chịu lạnh ”. Người mẹ kế cảm động và từ đó đối xử với Mẫn Tử Khiên như con ruột .
Từ câu chuyện trên, tôi luôn luôn thương kính cha mẹ mình và cố gắng tránh để cha mẹ buồn lòng vì mình, mãi mãi tâm niệm báo đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ.
Ca dao Việt Nam có câu:
“ Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ Mẹ kính Cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Chữ Hiếu ở Việt Nam bắt nguồn từ Đạo Khổng . Trong Hiếu Kinh, Khổng tử đề cao chữ hiếu vì đó là căn bản ứng xử của con người, từ đó việc thảo kính của con cái với cha mẹ đã được xem như là một đạo gọi là Hiếu đạo.
Một cách tổng quát, theo Đạo Khổng, người con hiếu thảo phải đối xử tốt với cha mẹ mình như sau=
1/ Chăm sóc cha mẹ của mình, có hành vi và lời hòa nhã không chỉ với cha mẹ còn với người trong xã hội để mang tiếng tốt cho cha mẹ và tổ tiên.
2/ Siêng năng làm việc để có tiền bảo đảm vật chất cho cha mẹ cũng như để thờ phụng tổ tiên.
3/ Phải tôn trọng, lễ độ và thương yêu cha mẹ mình.
4/ Đảm bảo có người thừa kế nam (để có người nối dõi tông đường) và phát huy tình huynh đệ giữa các anh chị em.
5/ Tư vấn cho cha mẹ một cách khéo léo để cha mẹ tránh khỏi hành vi thiếu đạo đức.
6/ Hết lòng lo lắng săn sóc khi cha mẹ bị bệnh hoặc nếu chẳng may, họ qua đời thì thực hiện tang lễ, cư tang và thờ phụng chu đáo.
Hình minh họa
QL=Thưa quý thính giả, vừa rồi BS. Khoáng nói về chữ Hiếu theo quan niệm nhân sinh của người Á Đông.
Câu 2/ Xin Anh cho biết người phương Tây quan niệm Chữ Hiếu như thế nào?
QK= Từ khi có dịp qua các nước Âu Mỹ như Pháp, Canada, Hoa Kỳ, tôi mới biết đến những ngày lễ nhớ ơn Mẹ và nhớ ơn Cha. Vậy là người Tây phương cũng biết thương Cha Mẹ, biết nhớ đến ơn họ tuy có thể khác chúng ta. Thật ra, hiếu hạnh với cha mẹ không chỉ có ở Đông phương mà là bản giá trị chung của nhân loại. Tất cả những trào lưu tư tưởng lớn hoặc tôn giáo lớn đều chủ trương đạo Hiếu.
Ngày của Mẹ được biết lần đầu tiên ở Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập kỷ niệm nữ thần Isis hàng năm và tin rằng đó là mẹ của những hoàng đế Ai Cập cổ.
Người Hy Lạp tổ chức lễ hội tri ân cho nữ thần Rhea, mẹ của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp.
Trong luật La Mã cổ đại, từ năm 204 trước CN, việc kính trọng này còn được nhấn mạnh bằng lễ hội nữ thần Cybèle là mẹ của các vị thần, kể cả thần Zeus được tổ chức từ ngày 15 đến 18 tháng 3 hàng năm. Lễ hội này chấm dứt và được Kitô hóa bằng lễ hội Mẹ Maria bởi hoàng đế La Mã Constantinus. Ngày nay là lễ hội Đức Mẹ hồn xác về trời (còn gọi là lễ Mông Triệu) được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 hàng năm và đại diện cho ngày của Mẹ ở thế gian (Mother’s day) tại Bỉ và Costa Rica…
- Tại Hoa Kỳ, giá trị tôn kính cha mẹ đã được xã hội hóa bằng Ngày Của Mẹ (Mother’s Day) từ ngày 8/5/1914, bởi quyết định ký của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, đã ấn định ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 hàng năm là Ngày của Mẹ. Vào năm 1972 Tổng thống Richard Nixon đã ký thành luật, từ đó ở Mỹ hàng năm lại có riêng ngày tôn vinh người cha là Ngày Của Cha (Father’s Day) vào Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu.
Các ngày Mother’s Day và Father’s Day là những ngày đặc trưng nhắc nhở về sự hiếu kính cha mẹ còn được gọi là Piété filiale theo người Pháp hoặc Filiety theo Anh Mỹ. Trong những ngày này người con thường mua thiệp in sẵn và ghi vào đó Happy Mother’s day hay Happy Father’s day, đồng thời mời cha mẹ đi dự tiệc.
QL= Câu 3/ Thưa quý thính giả, chúng ta biết rằng bên Hoa Kỳ viện dưỡng lão đã có từ lâu. Ở Việt Nam cũng bắt đầu thịnh hành. Xin anh cho quý thính giả biết điều kiện chăm sóc các cụ ở trong viện dưỡng lão ở Việt Nam như thế nào?
QK= Nói đến viện dưỡng lão thì người Việt Nam, nhất là ở trong nước, chưa quen lắm.Thường người Việt chúng ta, nhất là người lớn tuổi không có thiện cảm với nơi này. Tuy nhiên, qua Internet, người Việt Nam từ từ đã biết rõ hơn về viện dưỡng lão nên một số cơ sở mới đã được mở ra.
Tại các nước phát triển, đặc biệt là ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc…, dân số già đi sẽ gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc cho người già. Nếu như ở phương Đông, theo truyền thống, cha mẹ khi tuổi cao sức yếu sẽ được con cái phụng dưỡng tại nhà, thì ở phương Tây, những người cao niên được đưa vào sống trong các viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Sở dĩ có điều này là vì trong nếp sống phương Tây, con cái sống độc lập với cha mẹ sau tuổi trưởng thành (18 tuổi) nên người già thường phải tự lo cho bản thân thay vì trông chờ vào sự chăm sóc của con cái. Hơn nữa, trong suốt quãng đời lao động, họ đã đóng thuế nên khi về già, họ được nhà nước đài thọ sống trong các viện dưỡng lão và hưởng dịch vụ y tế.
Tùy tình trạng sức khỏe, bệnh lý mà họ được xếp vào những khu riêng biệt. Ví dụ như khu dành cho người có sức khỏe khá, khu người già yếu, hay khu cho người có sức khỏe tâm thần kém...
Ở Việt Nam, người con đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão thường bị mang tiếng bất hiếu. Nhưng nếu để cha mẹ cô quạnh trong bốn bức tường suốt cả ngày không thể chăm sóc được đến nơi đến chốn khiến họ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình liệu có phải là họ bất hiếu vạn lần hay không? Do đó, viện dưỡng lão là mái nhà chung nơi người già có thể gặp gỡ và sinh hoạt cùng với những người đồng thế hệ để giảm đi nỗi cô đơn vào tuổi xế chiều. Những cụ bà mạnh khỏe có thể ngồi cùng nhau đan lát, vẽ tranh… trong khi các cụ ông ngồi đọc báo, đánh bài... Những buổi tiệc được tổ chức trong năm nhằm quy tụ tất cả người già trong viện và thân nhân của họ đến chung vui, giúp không khí viện dưỡng lão trở nên rộn ràng, ấm áp hơn. Hoặc kể cả những ngày thường, con cái cũng có thể ghi danh vào thăm cha mẹ, ông bà hoặc đón họ về chơi với gia đình rồi quay trở lại.
Khi đảm bảo được những điều trên, viện dưỡng lão sẽ là lựa chọn tốt nhất cho những người cao niên. Bởi lẽ, nếu như người cao tuổi ở nhà với người thân, con cháu sẽ không thể thường trực chăm sóc do bận phải đi làm, đi học… Kể cả khi thuê người giúp việc, họ cũng không thể chuyên nghiệp như các điều dưỡng viên đã có bằng cấp ở các viện dưỡng lão.
Số liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam năm 2010 dự báo, dân Việt sẽ chính thức bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2017. Ở Việt Nam, những cơ sở chăm sóc người cao tuổi đầu tiên được thành lập chính là các trung tâm điều dưỡng người có công với đất nước. Sau đó có các trung tâm bảo trợ xã hội và thời gian gần đây xuất hiện một số các viện dưỡng lão tư nhân. Do chi phí dịch vụ còn khá cao, viện dưỡng lão đang tập trung chính ở Hà Nội và Saigon.
QL= Câu 4 /Thưa Anh, ở Việt Nam và hải ngoại, anh thấy hiện nay cha mẹ già có sống chung với con cái không? Mỗi gia đình hiện nay thường có mấy thế hệ?
QK=Tổ tiên chúng ta có câu ca dao về công ơn Cha Mẹ=
“Mây trôi lồng lộng không phủ kín công Cha,
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ”
Chính từ Cha Mẹ mới có con cái, cháu chắt và gia đình nhỏ, gia đình lớn.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều gia đình, nhất là ở nông thôn, cha mẹ già còn sống chung với con cái trong khi ở các tỉnh thành thì ít hơn vì thế hệ trẻ tiếp thu những quan niệm sống của Tây phương.
Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ huyết thống, hôn nhân, tình cảm ... Gia đình có lịch sử từ rất sớm và có ảnh hưởng mạnh đến xã hội.
Gia đình có thể được phân loại thành:
1/ Gia đình hai thế hệ : là gia đình bao gồm cha mẹ và con. Đây còn được gọi là Gia đình nhỏ hay Gia đình hạt nhân, là một dạng gia đình của tương lai và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại.
2/ Gia đình ba thế hệ : là gia đình bao gồm ông bà, cha mẹ và con cái, còn được gọi là tam đại đồng đường.
3/ Gia đình bốn thế hệ trở lên: còn được gọi là Tứ đại đồng đường.
Cả hai dạng gia đình thứ 2 và thứ 3 được coi là “gia đình truyền thống” liên quan tới dạng gia đình trong quá khứ. Đó là một nhóm người ruột thịt sống chung với nhau dưới một mái nhà, thường từ ba thế hệ trở lên. Gia đình truyền thống chỉ phù hợp với xã hội nông nghiệp của nền văn minh lúa nước. Khi đó, mấy thế hệ sinh sống với nhau đều làm ruộng, thu nhập và điều kiện sống cũng giống nhau nên mới sống theo kiểu tập thể gia đình đông người được.
Thời nay, con cái không muốn sống chung với cha mẹ như trước kia nữa vì đây là xu hướng của các nước phát triển. Họ thích sống theo lứa tuổi, phù hợp với các sở thích của họ. Vì thế, ở các nước như Nhật Bản, Mỹ, Pháp… con cái đều sống riêng và cũng không ở cùng với cha mẹ nữa. Ví dụ như mọi công dân ở Thụy Điển, 18 tuổi họ đã ra ở riêng và được nhà nước phân cho căn hộ vì Thụy Điển là nước có thu nhập trung bình thuộc loại cao nhất thế giới. Thêm nữa, ở các nước phát triển, quỹ phúc lợi của họ cao cho nên người già được chăm sóc rất đầy đủ, chu đáo tại các viện an dưỡng cho người già, nhưng ở Việt Nam chúng ta chưa có các điều này nên con cái vẫn sống chung với bố mẹ .
QL= Tôi xin phép được chia sẻ thêm với quý thính giả và BS. Khoáng, khi nói về nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, thì năm thế hệ sống chung dưới một mái nhà người mình gọi là "ngũ đại đồng đường". Trong sử có chép là những gia đình nào "ngũ đại đồng đường" được vua nhà Nguyễn ban thưởng vì không dễ có những trường hợp như thế. Năm thế hệ sống chung với nhau tất phải có một sự thông cảm hài hòa lắm mới được như vậy.
Câu 5/ Thưa Anh, theo Anh nhận xét, trong những gia đình ở VN hay hải ngoại, con cái có điều kiện chăm sóc cha mẹ già không?
QK= Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem điều kiện sống của con cái, khả năng tài chánh, lòng hiếu thảo của con cái và đặc biệt là sự khác biệt về các thế hệ.
Thực là lòng cha mẹ thương con cháu như trời như biển. Chăm lo cho con từ lúc nằm ngửa cho tới khi trưởng thành, nên ông nên bà. Vậy mà cũng có con than phiền, bảo rằng chẳng để chúng yên, xía vào đời tư của chúng, coi chúng như còn thơ dại. Vâng, đó là những cảnh ngộ thường thấy trong mọi xã hội. Người ta nói đó là vì khoảng cách giữa người già và người trẻ ngoài xã hội, giữa cha mẹ và con cái trong gia đình.
Sử gia kiêm chính khách Pháp Alexis de Tocqueville (1805-1859) có nói: “Trong các quốc gia dân chủ, mỗi thế hệ là một bộ lạc mới ”.
Tại các quốc gia Âu Mỹ, có 4 lớp thế hệ được nêu ra:
- Thế hệ cựu chiến binh sinh ra từ 1922-1945, tôn trọng truyền thống và thích nghi với hậu quả của Thế chiến I.
- Thế hệ trẻ em bùng phát (babyboomers), nhiều lý tưởng sanh từ 1946-1964.
- Thế hệ X, tự lập, thành thạo kỹ thuật mới, rất linh động sinh từ 1965-1979,
- Thế hệ Y ra đời trong thời gian 1980-1994 có thái độ lạc quan, tự tin, thực tế, đa dạng và nghĩ tới cá nhân nhiều hơn.
Danh từ “generation gap” còn gọi là “khoảng cách thế hệ” được dùng tại các xã hội Âu Mỹ vào thập niên 1960. Mỗi thế hệ cách nhau từ 20-30 năm là thời gian trung bình để trẻ em lớn lên và thành người lớn thực thụ.
Tự điển Oxford định nghĩa “generation gap” là sự khác biệt về “thái độ” (attitude) giữa những người ở thế hệ khác nhau. Thái độ bao gồm sự suy nghĩ và thấy thế nào về một sự việc hoặc một người nào đó. Khoảng cách tạo ra những khác biệt về tâm lý, hành động, và đối xử vì họ không hiểu nhau, không giống nhau về chính kiến, kinh nghiệm và bản chất. Thực ra, chuyện này cũng chẳng có gì mới lạ. Nó đã hiện diện trong nếp sống con người từ lâu, nhưng rõ ràng hơn kể từ khi có những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật.
Tâm lý người già bây giờ cũng không muốn ở chung với con cái vì nhiều thứ phức tạp. Với những người có lương hưu, họ cũng muốn sống thoải mái khi về già và vợ chồng già ở với nhau, tiện chăm sóc cho nhau. Nhưng với những gia đình không có điều kiện, con cái không có nhà riêng thì biết “đuổi” chúng nó đi đâu. Ngược lại, Bố mẹ không có lương hưu mà để bố mẹ đi ở riêng cũng không được. Như vậy cả người già lẫn người trẻ, chỉ là vì chưa có điều kiện nên mới ở chung với nhau thôi.
QL=Câu 6/ Thưa Anh, bây giờ xin hỏi Anh một câu hỏi thực tế hơn: Những lý do thông thường nào khiến cho gia đình phải đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão ?
QK= Phải chăng định luật của cuộc sống và tình thương là “nước mắt chảy xuôi”, sẽ không bao giờ có một dòng nước chảy ngược về nguồn.
Người Âu Mỹ thường thèm địa vị của các bậc cha mẹ người Á Ðông lúc về già vẫn còn được con cái lui tới săn sóc, nhưng họ cũng nên nhớ lại, họ chỉ nuôi con cho đến năm 18 tuổi là hết bổn phận trên pháp lý, không ai trừng phạt gì họ được, mà trên mặt tình cảm cũng không có gì phải cắn rứt lương tâm.
Người già có các cơ quan xã hội lo thuốc men, thực phẩm nhưng với nỗi cô đơn, phiền muộn ai là người lo cho họ, trong khi những đứa trẻ còn có người lớn an ủi, vỗ về và nói với chúng những lời dịu ngọt.
Ngân khoản của liên bang Hoa Kỳ cấp đến 90% dành cho việc ngăn ngừa lạm dụng trẻ con, 7% để ngăn ngừa bạo hành trong gia đình nhưng chỉ có 3% sử dụng trong việc ngăn ngừa ngược đãi người già.
Những lý do thông thường khiến cho gia đình phải đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão, theo tôi, là=
1/ Con cái phải đi làm việc suốt ngày không thể trông nom cha mẹ già.
2/ Mâu thuẫn giữa dâu, rể thậm chí là con ruột với cha mẹ già.
3/ Cha hoặc mẹ già thường hay lấn quá sâu vào các sinh hoạt của con cái nên thường gây bất mãn, giận hờn lẫn nhau.
4/ Cha mẹ già không thể tự lo cho những sinh hoạt cá nhân như ăn uống, tiêu tiểu, tắm rửa hàng ngày.
5/ Cha mẹ già bị lú lẫn ngày càng nặng nên con cái không dám để họ ở nhà một mình, sợ xẩy ra tai nạn.
6/ Cha mẹ già nằm liệt một chỗ do bệnh tật và con cái không đủ tài chánh mướn người săn sóc thế cho họ.
QL= Câu 7/ Theo anh nhận xét, quan niệm hiếu có còn thấy trong xã hội ngày nay ở Việt Nam không?
QK= Khi còn ở tiểu học, tôi là một thằng bé ngỗ nghịch, ham chơi nên khi thi chuyển cấp lên Trung học thì bị rớt. Tôi còn nhớ có một lần, lúc ăn cơm, tôi thốt lên câu = “Cà pháo có bổ béo gì!” làm Mẹ tôi buồn vời vợi. Cha tôi là kế toán, mẹ tôi là nội trợ lo cho 6 con nên phải chi tiêu rất tằn tiện. Mẹ tôi không la rầy nhưng ánh mắt của Mẹ làm tôi hối hận quá. Sau một năm ở lại lớp cuối của tiểu học, tôi đã tu chí học hành và khi vào được Trung học, cha mẹ tôi không còn phải thúc giục tôi học nữa, tôi đã tự biết lo. Có một quyển sách mà tôi rất thích và đọc lại nhiều lần, đó là quyển “Những tâm hồn cao thượng” mà nhà giáo Hà Mai Anh đã dịch ra tiếng Việt từ quyển “ Les grands coeurs” của Edmond De Amicis. Câu chuyện “Chàng viết mướn thành Florence” (1*) làm tôi rơi lệ mỗi khi đọc lại và khiến tôi thay đổi hẳn tính tình, không còn làm buồn lòng cha mẹ nữa. Tôi nhớ mãi vào những năm 60 của thế kỷ trước, tại Saigon, nước chưa được đầy đủ nên Nha Thủy cục phải cúp nước luân phiên từng khu vực. Ngày có nước thì mọi người đổ xô hứng nước nên ban ngày, nước chảy yếu. Cha Mẹ tôi phải thay phiên nhau thức dậy ban đêm để hứng nước đổ vào bể, chum hoặc vại. Thấy thế, tôi lén cha mẹ thức dậy vào đầu giờ khuya để hứng nước thay cho các bậc sinh thành đã vất vả suốt ngày rồi.
Theo tôi, ở Việt Nam, sau 1994 là lúc Việt Nam được Hoa Kỳ bỏ cấm vận, đời sống khá giả hơn nhưng đạo đức suy đồi vì nhiều người chạy theo tiền. Cũng từ đó, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ cũng bị lung lay. Có không ít trường hợp mà báo chí trong Nước đưa tin: con cái kiện cha mẹ ra tòa vì chia gia tài không đều, vì một mảnh đất, một thủa ruộng hoặc ngược đãi cha mẹ già. Thậm chí, có trường hợp con cái đợi đến khuya thuê xe chở cha mẹ già bỏ mặc tại hàng hiên một cửa tiệm gần chợ. Điều đáng buồn là tại xứ văn minh như Hoa Kỳ cũng có con cái người Việt hất hủi cha mẹ. Trường hợp cha mẹ già cứ phải luân phiên đến tá tục tại nhà các con mỗi người một tuần không phải là hiếm! Do đó mới có câu: “Nước mắt chảy xuôi, cha mẹ có thể nuôi được 5-10 người con nhưng 5-10 người con không nuôi nổi cha mẹ”.
Ngược lại, cũng có trường hợp cha mẹ xử sự không đúng khiến con cái không nể trọng như đánh đập con vô cớ, bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục…
Tuy nhiên, hiện nay, tôi nhận thấy là cũng may, không ít dân Việt, nhất là ở nông thôn, còn có lòng hiếu kính với cha mẹ, nuôi cha mẹ cho đến ngày họ ra đi. Hàng năm, có nhiều sinh hoạt ca ngợi công ơn của cha mẹ vào những dịp lễ Vu Lan tháng 7 âm lịch, còn gọi là mùa báo hiếu tại mọi chùa trên toàn quốc. Có những chương trình ca nhạc được tổ chức trong Nước để vinh danh cha mẹ với những bài hát rất hay.
Chỉ đến khi Mẹ khuất bóng thì chúng ta mới thấm thía được sự mất mát to lớn này như nhạc sĩ Trần Tiến đã viết trong bài MẸ TÔI:
"Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình,
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ".
QL= Câu 8/ Thưa Anh, với hoàn cảnh tâm lý và điều kiện vật chất hiện thời, Anh nghĩ làm sao con cái có thể chăm sóc được cha mẹ, làm tròn bổn phận đối với cha mẹ khi cha mẹ già?
QK=-Trong kinh Nhẫn nhục, Đức Phật có dạy:
“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.
-Trong kinh Tăng Chi 1, Đức phật có dạy: “Có hai người mà quý vị không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ”.
- Chữ Hiếu là bài học đầu tiên của “Đạo làm người”, là nền tảng đạo đức của xã hội. Mạnh Tử nói: “Không trọn đạo với cha mẹ thì không đáng làm người”. Chính vì thế mà những kẻ bất hiếu, vô luân làm lương tri xã hội nhức nhối. Quả thật, không thể dung thứ cho những hành động bất hiếu ấy. Nó đồng nghĩa với việc vứt bỏ truyền thống của dân tộc, cũng là vứt bỏ chính bản thân mình.
- Người Do Thái có câu ngạn ngữ: “Lúc cha mẹ cho con thứ gì, con đều nở nụ cười; lúc con cái cho cha mẹ thứ gì, cha mẹ khóc”. Cả đời này, người có thể làm cho chúng ta mọi thứ mà không cầu báo đáp chỉ có cha mẹ, vậy nên, dù thế nào cũng đừng phàn nàn họ, hãy thông cảm cho họ, quan tâm tới họ.
Hãy trân trọng từng phút giây bên cha mẹ, bởi không ai biết được khi nào họ sẽ rời xa ta mãi mãi. Khi cha mẹ còn, hãy luôn nở nụ cười, hãy luôn quan tâm chăm sóc tới họ, đừng để cha mẹ mỏi mắt ngóng trông mà không nhìn thấy hình bóng của con.
Mọi người nên nghĩ đời sống là một cái vòng luẩn quẩn, như diễn tả của BS Milton Greenblatt (1914-1994), nhà tiên phong Hoa Kỳ vể chăm sóc sức khỏe tâm bệnh:
“Trước hết, chúng ta là con của cha mẹ
Rồi là cha mẹ của bầy con
Sau đó sẽ trở lại làm cha mẹ của cha mẹ
Cuối cùng là con của bầy con"
để mà thông cảm, chung sống với nhau.
QL= Câu 9/ Thưa Anh, nếu chúng ta cảm thấy là chúng ta thương cha mẹ và muốn trả ơn cha mẹ, như vậy việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có phải là một điều bất hiếu không? Xin anh nêu vài thí dụ.
QK= Ngày nay, trong thế giới phẳng, con người có nhiều cơ hội mở rộng tầm hiểu biết của mình thông qua lượng thông tin khổng lồ trên Internet về nhiều lĩnh vực. Về việc báo hiếu, có sự khác biệt rõ rệt giữa văn hóa phương Đông với phương Tây. Ở phương Đông, lòng hiếu thảo xuất phát chủ yếu từ Nho giáo về cách đối đãi giữa con cái và cha mẹ, mà ở đó, hiếu hạnh là đức tính vô cùng quan trọng. Tư tưởng hiếu đạo cũng xuất hiện trong Đại Thừa Phật Giáo để thích nghi với văn hóa Trung Hoa, bắt nguồn từ sự tích Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ (2*).
Chuyện mẹ chồng náng dâu và cách ứng xử của con trai sao cho vừa chữ hiếu vừa chữ tình với vợ con mình cũng là một câu chuyện dài nhiều tập. Phong tục và nếp nghĩ cổ hủ nặng nề làm cho tất cả mọi người chung sống hài hòa là không dễ dàng. Ở khía cạnh này, mọi người trong một gia đình cần sống nhẫn nhịn theo tinh thần vô chấp của Phật giáo mới tạm tạo ra không khí hòa thuận!
Một quan điểm khác cho rằng: Người con có hiếu không có nghĩa là anh ta hay chị ta phải đi làm nô lệ cho cha mẹ mình. Đến đây, chúng ta nhìn rộng ra văn hóa phương Tây, cha mẹ biết giới hạn của họ và một khi con cái qua 18 tuổi thì họ đối xử với chúng như người lớn. Họ tôn trọng con cái chứ không bắt ép, la rầy hay đánh đập, và thường con cái sẽ phải sống tách riêng ra để có cuộc sống độc lập. Cuộc sống tự lập và riêng rẻ của con cái phần nào hạn chế xích mích giữa các thành viên trong gia đình khi tính cách từng con người đã được hình thành đầy đủ.
Người phương Tây có câu chuyện người già sẽ được đưa vào Viện dưỡng lão.
Hình một viện dưỡng lão tại Hoa Kỳ
Nghe vậy thì người phương Đông cho rằng con cái bất hiếu, không chịu ở gần cha mẹ để phụng dưỡng nhưng xét cho kỹ thì đó là phương án khá thuận tiện bởi vì những người con còn có cuộc sống riêng của họ. Đôi khi cha mẹ cũng nên hạn chế làm phiền hoặc xen vào đời sống riêng của con cái để giảm thiểu những cãi vã không đáng có và làm giảm tình yêu thương vợ chồng hay gia đình riêng của con mình.
Nói tóm lại, tiện và bất tiện trong mối quan hệ cha mẹ già và con cái ở phương Đông và phương Tây là hai thái cực đối chọi của một vấn đề. Cái duy nhất là cách cư xử sao cho hạnh phúc vẹn toàn giữa cha mẹ và con cái, anh chị em trong gia đình. Theo tư tưởng Phật giáo nguyên thủy, cái hạnh phúc tối thượng là "không làm khổ mình và cũng không làm khổ người" đồng nghĩa là ta nên dung hòa và lấy cái hay của phương Đông lẫn phương Tây mà thực hiện. Cha mẹ và con cái là những cá thể độc lập có tự do riêng, không cá thể này xen vào hạnh phúc hoặc làm chủ cá thể khác mà tất cả các cá thể đều quan tâm chăm sóc lẫn nhau và có sự tương trợ nhau khi cần thiết.
QL=Câu 10/ Thưa Anh, Anh nghĩ làm sao dung hòa được hoàn cảnh sống hiện đại với việc chăm sóc cha mẹ già?
QK= Cha Mẹ tôi định cư tại Canada năm 1984. Mười năm sau, Mẹ tôi mất vì tai biến mạch máu não (stroke), cha tôi vẫn sống với anh chị em của tôi tại Montréal cho tới cuối năm 2011 hưởng thọ 92 tuổi. Trước đó khoảng 5 năm, cha tôi yếu hẳn vì bệnh Đái tháo đường, đi lại khó khăn đến nỗi phải dùng gậy rồi “marchette” (khung sắt có 2 bánh xe phía trước) và cuối cùng là xe đẩy. Có ý kiến khuyên đưa cha tôi vào viện dưỡng lão nhưng các con không ai dám đề nghị vì biết chắc cha tôi sẽ phản đối. Ba tháng cuối năm 2011, lúc đó đã nghỉ hưu, tôi xin phép từ Việt Nam qua sống với cha tôi để ông được khuây khỏa.Thấy tình trạng của cha mà tôi lại nghĩ đến tương lai của mình. Sinh, Lão, Bệnh, Tử là sự thật không chừa một ai! Sống với cha một tháng tại nhà người em trai, một tháng trong bệnh viện tại Montréal, tôi càng thương và thông cảm với cha hơn. Người già dễ tủi thân, chỉ cần con cái vô ý nói một lời trống không hoặc nặng tiếng một chút là buồn. Họ luôn nhớ về quá khứ, “thời oanh liệt nay còn đâu?” nên hay suy tưởng lung tung khiến họ càng đau khổ thêm.
*Thái độ của người già=
Thuở xưa, khi nhu cầu đời sống được đáp ứng bằng sức lực và sự khôn ngoan của con người, thì người già, nói chung, được trọng nể vì kinh nghiệm của họ.
Ngoài ra, họ cũng là người nắm giữ tài sản gia đình, có quyền sắp đặt, phân phát cho nên sự nhờ vả, tôn trọng của giới trẻ đối với họ là điều dễ hiểu.
*Thái độ giới trẻ=
Bản chất giới trẻ cũng có một số điều cần lưu ý, như là:
- Có thể nông cạn về lẽ sống.
- Nhẹ tình cảm gia đình, quê hương, cội nguồn dân tộc.
- Nhiều hoài bão, không thỏa mãn với cái đã có.
Trước hết, phải thừa nhận là con cái bây giờ có nhiều điểm thuận lợi hơn cha mẹ già. Các con có kiến thức cao, suy luận thực tế, khoa học hơn, tính tình cởi mở, dám nghĩ dám làm việc khó, việc lớn.
Đối với cha mẹ, con cái cũng có một cái nhìn hơi e ngại dè dặt, ít thổ lộ, ít tiếp xúc. Lý do là văn hóa giáo dục khác biệt. Một bên nghiêm khắc, kín đáo, một bên ồn ào cởi mở. Một bên dùng những ngôn từ thời đại mà phía kia, mù tịt, chẳng hiểu ất giáp gì, nào là “phần mềm, ổ cứng”…
*Nhìn chung= Nói ra thì nhiều, nhưng đi vào thực tế, phải công nhận là có một khoảng cách với những khác biệt giữa các thế hệ của cha mẹ và con cái. Khác biệt về suy nghĩ, hành động, về quan niệm sống, về cách diễn tả tình cảm, tâm trạng.
-Nếu có điều kiện giữ cha mẹ sống với mình tại nhà:
Không nên coi khác biệt đó là mâu thuẫn gây trở ngại cho hài hòa gia đình, xã hội mà là một lẽ đương nhiên trong đời sống, có già có trẻ. Tre già sát cánh măng non. Cũng như có âm thì có dương, có sáng thì có tối, có tốt và có xấu.
Chẳng nên tìm cách xóa bỏ cách biệt mà nên “biết người biết mình”, để thông cảm và hòa hợp chung sống với nhau.
-Nếu phải đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão:
-Con cái nên vào thăm ít nhất một tuần một lần hoặc cũng nên gọi điện thoại hỏi thăm để cha mẹ khỏi tủi.
-Không nên để cha mẹ quá cô đơn vì sức khỏe sẽ giảm sút, bệnh tật dễ phát sinh. Theo BS Ornish, tác giả cuốn “Love and Survival” (Tình yêu và sự sống còn), tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối của mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Ông giải thích: Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ động, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ bị cảm cúm. Như vậy, sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ mà chỉ có sống lạc quan mới giải cứu được. Ông kết luận: “Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi!”
-Gần đây, bên Pháp có một dịch vụ mới của ngành Bưu điện giao người đưa thư đến thăm người già cô đơn do con cái ở xa không lo được, một tháng vài lần tùy theo yêu cầu của người con để cha mẹ già có người tâm sự và để con cái biết tình hình sức khỏe của cha mẹ. Đây là một sáng kiến đáng khen!
QL= Thời gian dành cho chương trình Văn Hóa Việt sắp chấm dứt. Chúng tôi xin mời BS Khoáng cho lời kết về đề tài hôm nay.
QK= Nhân sắp đến lễ Vu Lan,Trường Truyền thống Việt tại Houston mời tôi nói về: “Chữ HIẾU ở người Việt Nam trong và ngoài nước” tôi chỉ muốn bàn cùng quý vị thính giả một cách khách quan về Chữ Hiếu tại quê nhà và tại nước ngoài nhất là trong thời gian gần đây. Phải nói là sau khi Việt Nam được dỡ bỏ cấm vận và chuyển sang kinh tế thị trường thì đạo đức suy đồi mà nguyên nhân chính là do nhiều người đua nhau chạy theo đồng tiền và giáo dục trong gia đình và tại các trường học xuống cấp. Hàng ngày, trên báo chí Việt Nam cũng như trên Internet, có không ít trường hợp con cái ngược đãi cha mẹ khiến chúng ta xót xa.Tuy nhiên, có một điều cũng đáng tiếc là có không ít trường hợp bất hiếu với cha mẹ già xẩy ra ngay trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Do đó, tôi nghĩ lý do chính của sự bất hiếu không phải vì nghèo khó mà là ở sự vô ơn, nhẫn tâm của con cái đối với cha mẹ. Đó cũng là những bài học mà mọi chúng ta có thể rút kinh nghiệm vì trên đời này, có nhân ất có quả như truyện cổ tích Việt Nam: Cái chén gáo dừa (3*). Có được bài nói chuyện này, tôi phải cảm ơn các tác giả và các bài báo mà tôi nêu tên trong phần tài liệu tham khảo. Nhờ họ, tôi đã có thêm những thông tin cũng như những số liệu để bổ sung cho những trải nghiệm của tôi hầu có được những câu trả lời đầy đủ và chính xác hơn.
Trước khi dứt lời, tôi xin cám ơn chị Quý Linh và đài Sài Gòn- Houston đã tổ chức buổi nói chuyện hôm nay. Xin cám ơn quý vị thính giả của đài Sài Gòn- Houston đã theo dõi và xin mời quý vị nghe trong 5 phút bài Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến do ca sĩ Việt Tú trình bày. Nhạc sĩ Trần Tiến đã sáng tác bài này cách đây hơn 20 năm để tưởng nhớ người mẹ đã khuất của mình nhưng ông chỉ mới phổ biến bài này ra công chúng cách đây vài năm. Là người gắn bó với mẹ nhất trong gia đình, ông viết nên những câu ca như “rút ruột, rút gan” khiến mỗi lần nghe, tôi rất xúc động như:
“ Trèo lên dãy núi Thiên Thai ối a, Mẹ ngồi trông áng mây vàng,
Mẹ ơi hãy dắt con theo ối a, để con mãi mãi bên Mẹ.
Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình,
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ.”
QL= Thưa quý thính giả, thưa BS. Khoáng, chúng tôi cũng biết là ở Hoa Kỳ có nhiều gia đình mà con cái rất thương cha mẹ, mua vé cho cha mẹ đi chơi, đi cruise, nhiều cha mẹ ở chung với con cái rất thuận hòa, nhiều người đi thăm gặp cha mẹ thường xuyên. Có những người con chăm sóc cha mẹ già bị stroke trong cả chín, mười năm trước khi cha mẹ qua đời.
Trước khi chấm dứt đề tài hôm nay, chúng tôi xin thưa rằng ở trong xã hội nào cũng có người tốt người xấu, trong gia đình cũng có người con hiếu người không. Chúng tôi mong rằng với sự thương yêu và lòng thông cảm, cha mẹ và con cái trong gia đình có thể có những sắp xếp tốt đẹp cho mọi thành viên để cho ai nấy có được một cuộc sống hạnh phúc và yên vui.
Xin cám ơn BS Nguyễn Quý Khoáng đã dành thì giờ quý báu đến với chương trình Văn Hóa Việt.
Xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình lần tới. Trước khi kết thúc, xin mời quý vị nghe bài hát do BS KHOÁNG giới thiệu.
Ca sĩ Việt Tú trình diễn bài hát
MẸ TÔI < www.youtube.com/watch?v=8ztP185_T98 >
CHÚ THÍCH=(phần này được bổ sung sau buổi nói chuyện trên Đài SGH)
1*/ “ Chàng viết mướn thành Florence”
Cậu bé là học trò lớp bốn sơ đẳng, quê ở thành Florence mới 12 tuổi, người coi khôi tráng, thông minh, tóc đen, da trắng. Cậu là con đầu lòng một viên ký ga, lương ít, nhà lắm miệng ăn, vì thế sinh kế rất eo hẹp. Cha cậu quí cậu lắm, nhưng đến việc học thì rất nghiêm khắc vì cậu đã lớn, cần phải học gấp cho chóng đủ sức đi làm, kiếm đỡ gia đình. Cha cậu đã có tuổi, lại lo nghĩ nhiều nên trông già xọm. Thế mà ngoài việc sở ra, cha cậu còn nhặt việc ngoài để kiếm thêm và đêm nào cũng thức khuya làm việc. Ông vừa nhận được việc viết "băng" báo, cứ 500 tờ thì được 3 lira. Nhưng việc này có phần khó nhọc, nên tối đến, lúc ăn cơm ông thường phàn nàn : “Mắt ta độ này kém quá. Làm việc đêm hại người thực!”
Một hôm cậu con nói : “Thưa cha, để con làm đỡ vì con viết được”.
Cha đáp : “Không, con còn phải học. Công việc nhà trường còn quan trọng hơn việc viết "băng" nhiều. Cảm ơn con. Cha không muốn thế !”.
Biết không thể nào làm lay chuyển được lòng cha. Cậu thôi không nài nỉ nữa và nghĩ cách khác.
Một đêm, đợi cho cha viết mỏi tay đi ngủ, cậu khẽ dậy, lần ra phòng giấy, thắp đèn rồi ngồi vào bàn bắt chước lối chữ của cha viết rất nhanh nhẹn. Tập "băng" đã thành đống cao, cậu đếm được 160 tờ. Thế là làm thêm được 1 lira. Cậu nghỉ tay rồi rón rén về buồng ngủ.
Hôm sau cha cậu vui vẻ bảo cậu : “ Giuliô ơi ! Cha còn có sức làm việc hơn là con tưởng. Đêm qua, trong hai tiếng đồng hồ, cha đã viết hơn mọi hôm đến quá một phần ba. Tay ta còn lẹ, mắt ta còn tinh”.
Giuliô sung sướng , tự nhủ lòng : “Không những kiếm được thêm tiền , ta còn làm cho cha vui sướng tưởng mình trẻ ra. Ta hãy gắng lên!”
Cậu làm như thế luôn một tháng. Thức nhiều sinh mệt, một tối kia, cậu ngủ gật trong khi học bài. Hôm sau cha cậu mắng : “Độ này con đổi tính nhiều quá, trước con có thế đâu ! Con nên nhớ rằng tất cả hy vọng của nhà ta đều đặt vào tương lai của con. Cha rất không bằng lòng con! ”
Bị cha mắng, cậu định từ nay thôi không viết nữa. Nhưng đến chiều, cha cậu về, vui vẻ báo cho nhà biết rằng tháng này cha cậu lĩnh được 32 lira hơn tháng trước. Cha cậu lại mua một gói kẹo lớn về phân phát cho các con. Các em cậu vỗ tay reo mừng .
Thấy thế, cậu quả quyết làm như trước và tự nghĩ : “Ta phải gắng hơn chút nữa ! Ban ngày ta học, ban đêm ta viết để cho cha và các em ta được sung sướng”. Cậu viết như thế luôn bốn tháng. Bốn tháng đêm thức, ngày mệt ! Bốn tháng bị cha dày vò hắt hủi. Sang tháng thứ năm, cậu quyết lòng nghỉ viết để khôi phục lại tình yêu dấu của cha, nhưng đêm đến, cậu lại nhớ giấc dậy. Cậu muốn nhìn lại lần cuối cùng trong bầu không khí bình tĩnh ban đêm, cái phòng con kia, nơi mà cậu đã làm việc lén trong bấy nhiêu lâu. Đèn thắp, cậu đứng trước bàn nhìn tập "băng" trắng mà cậu sẽ không bao giờ được viết nữa, những tính danh và địa chỉ cậu đã thuộc làu, lòng cậu bỗng thấy bồi hồi. Rồi bất giác, cậu lại ngồi xuống làm việc. Tay cậu đụng rơi quyển sách xuống đất. Cậu rùng mình sợ hãi. Chết ! Cha cậu dậy thì sao ? Cậu nín thở và lắng tai, nhưng không nghe thấy gì. Im cả ! Cả nhà đang ngon giấc. Cậu yên tâm cầm bút viết lia lịa. Lúc ấy, cha cậu vẫn đứng sau cậu mà cậu không biết, vì nghe tiếng sách rơi, cha cậu nghe ngóng một lúc lâu rồi rón rén ra. Phải ! Cha cậu đứng đấy mái tóc bạc cúi trên mái tóc xanh ! Phải ! Cha cậu đứng đấy, mắt nhìn ngọn bút, lòng cảm thương con !... Bỗng cậu Giuliô thét lên một tiếng , có hai bàn tay run run ôm lấy đầu cậu.
Nghe tiếng nức nở, cậu biết ngay là cha, liền nói :” Cha ơi ! Xin cha tha lỗi cho con!” Cha cậu, cúi hôn cậu, nước mắt rỏ cả lên trán cậu : “Giuliô yêu quí của cha ! Con đừng giận cha nhé ! Cha đã hiểu cả. Chính cha phải xin lỗi con mới phải”. Nói xong, cha cậu ôm cậu vào giường mẹ cậu và bảo : “ Hôn con đi! Đã bốn tháng nay nó không ngủ để làm việc thay ta. Ta đã phụ bạc nó trong khi nó kiếm gạo nuôi cả gia đình”.
2*/ Sự tích Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ
Mục Kiền Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích Ca và được Đức Phật giao trọng trách thống lĩnh tăng đoàn sau khi ngài và ngài Xá Lợi Phất chứng A La Hán, quả vị cuối cùng trong 4 quả vị Thánh. Ngài nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" trong 10 đại đệ tử của Đức Phật.
Theo kinh Vu Lan thì mẹ ngài là bà Thanh Đề đã qua đời, ngài tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng thiên nhãn thông nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ngài đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói lâu ngày nên mẹ của ngài khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ. Ngài Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của thánh tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của ngài Mục Kiền Liên đã thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, lễ Vu-lan ra đời.”
3*/ Truyện cổ tích “Cài chén gáo dừa”
Ngày xưa, ở một vùng nọ, có vợ chồng kia hiền lành và chăm chỉ, thường đem của cải bố thí cho người nghèo. Họ có một đứa con trai tên là Phúc. Thằng Phúc rất khôn ngoan, mới lên ba mà đã ăn nói như người lớn vậy. Hai vợ chồng cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Vài năm sau, người vợ lâm bạo bệnh rồi qua đời. Người chồng khóc thương vợ nhiều nên mắt sưng lên, vài tháng sau thì mờ dần, không nhìn rõ.
Năm đó lại xảy ra nạn đói vì hạn hán, mất mùa. Một đêm nọ, bọn gia nhân ngày trước của ông đột nhập vào nhà bắt trói cha con ông lại. Vì sợ lộ tung tích, bọn cướp phang ông một gậy rồi vơ vét hết tài sản.
Để nuôi con thoát qua khỏi nạn đói khắc nghiệt năm ấy, ông lùng sục khắp nơi để lặt từng mớ rau, đào từng củ khoai, củ chuối rồi mò cua bắt ốc.
Ông không ngại cực khổ, làm thuê làm mướn bất cứ việc gì để gây dựng lại cơ nghiệp và lo cho con ăn học.
Năm tháng qua đi, Phúc mỗi ngày một khôn lớn và người cha mỗi ngày một già đi. Ngày con trai lên kinh ứng thí là ngày người cha mừng đến rơi nước mắt, vì ước vọng của ông bao lâu nay đã thành hiện thực. Quả nhiên, Phúc đỗ á khoa kỳ thi năm ấy và được cử làm quan tri huyện trong vùng.
Hai năm sau, quan tri huyện Phúc lấy vợ và cũng có một người con trai kháu khỉnh, sáng dạ như thằng Phúc khi xưa. Người cha lấy làm mãn nguyện vì quan tri huyện lo lắng chăm sóc cho ông rất chu toàn.
Ngày đứa cháu nội lên bốn thì sức ông đã yếu lắm, tay chân run lẩy bẩy. Mỗi lần ăn uống, ông thường lỡ tay làm rơi chén đũa của mình. Người con dâu tiếc của, bèn bảo chồng:
- Hay là ta kiếm cái gáo dừa làm chén cho cha ăn. Nếu lỡ rơi xuống đất thì cũng không bể.
Sau một hồi phân vân, người chồng lấy cái gáo dừa đẽo gọt miệng cho phẳng để làm chiếc chén.
Cầm chiếc gáo dừa trong tay, ông cảm thấy tủi hổ, xót xa, nhưng không dám nói ra. Một hôm, vợ chồng quan tri huyện thấy con trai mình đang cầm dao đẽo gọt hai cái gáo dừa khô. Họ hỏi đứa bé thì nó hồn nhiên thưa:
─ Dạ, con đang làm hai cái chén. Sau này khi cha mẹ già yếu, dọn cơm cho cha mẹ ăn, lỡ có đánh rơi cũng không bị bể.
Hai vợ chồng điếng người nhìn nhau rồi bật khóc. Họ hối hận vì đã đối xử tệ bạc với người cha già đáng kính. Họ chạy vào phòng, quỳ sụp dưới chân người cha, vừa khóc vừa xin lỗi:
─ Chúng con đã ngu dại khi đối xử với cha như vậy. Dù muôn nghìn chén vàng, chén bạc cũng không sánh nổi công ơn của cha đối với chúng con. Xin cha tha cho tội bất kính này.
Từ đó vợ chồng người con đối xử với cha rất là hiếu thảo cho tới ngày ông qua đời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Chữ Hiếu (Filiety), Minh Tâm.
2/ Chữ Hiếu và Gia đình, Bách khoa toàn thư Wikipedia.
3/ Chuyên gia lý giải vì sao thời nay con cái lại không muốn sống chung cùng bố mẹ . Gia Đình VN Hải Sơn (Báo mới.com) 28/06/17.
4/ /Nhân duyên vợ chồng, cha mẹ và con cái , Báo Niệm Phật, 07/12/2017.
5/ Những người rời nhà lầu, xe hơi vào ở nhà dưỡng lão, Phan Dương, VN Express (3/04/2018).
6/ Lời Phật Dạy về công ơn cha mẹ,Tâm Chơn (Lơiphatday.org).
7/Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay,Tu sĩ Laurensô Vũ Trình, 10/11/2014.
8/ Một quan điểm khác về chữ hiếu , Tạ Lê Cẩm Tú ,13/10/2016, (Thư viện Hoa Sen)
9/ Viện dưỡng lão bên Tây thế nào? (VTC News),Thứ Bảy, 01/10/2011.
10/ Khoảng Cách Thế Hệ, Nguyễn Ý Đức, MD.
11/ Nhân ngày Vu Lan Thắng Hội, bàn về chữ Hiếu, Luật sư Đào Tăng Dực.
12/ THỌ chưa hẳn là may mắn, Vũ Trung Hiền (VTC News).
13/ Cứu ngành bưu chính Pháp: Nhân viên phát thư phải "đa năng",11/ 7/ 2018 , Thùy Dương,
14/ San sẻ với quý vị tuổi Hạc trắng, Khuyết danh.
15/ Chàng viết mướn Thành Florence. Chương 22 , trong quyển“Những tâm hồn cao thượng”do Hà Mai Anh dịch từ “Les grands coeurs” của Edmond De Amicis.
16/ Mục Kiền Liên, Bách khoa toàn thư Wikipedia.
17/ Cái chén gáo dừa, truyện cổ tích Việt Nam, Trường Thánh Tôma Thiện, Grand Prairie, Texas 75051.
18/ “Mẹ tôi”, ca khúc “rút ruột, rút gan” của nhạc sĩ Trần Tiến. Báo Tin Mới. Tin tức on line, 1/03/ 2016.