In bài này
Chuyên mục: Thông tin
Lượt xem: 2030

Nói chuyện trên đài SÀI GÒN-HOUSTON (24/9/2020)

(Đề tài: ĐAU KHỔ)

 

QL= Thưa quý thính giả,

Đây là chương trình Văn Hóa Việt, do Trường Truyền Thống Việt (TTTV) phụ trách, đến với quý thính giả của đài Sài Gòn- Houston (SGH) mỗi tháng một lần, vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư. Quý Linh xin kính chào quý thính giả của đài SGH.

Hôm nay, chúng tôi mời BS. Nguyễn Quý Khoáng đến với chương trình Văn Hóa Việt trong đề tài= ĐAU KHỔ.

Chúng tôi xin mời BS. Khoáng lên tiếng chào quý thính giả của đài SGH.

QK= Xin kính chào quý vị thính giả đài Sàigòn-Houston. Tôi rất hân hạnh được tham gia buổi nói chuyện hôm nay.

 QL= Thưa quý thính giả, BS. Nguyễn Quý Khoáng đã đến với chương trìnhVăn Hóa Việt nhiều lần. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin được có đôi lời giới thiệu về BS. Nguyễn Quý Khoáng với những quý thính giả mới nghe BS. Khoáng lần đầu.

 Bác sĩ NGUYỄN QUÝ KHOÁNG

- Tốt nghiệp Đại học Y Khoa Saigon khóa 1968-1975 với chuyên khoa X Quang.

- Được bổ nhiệm làm việc tại bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Tây Ninh từ 1977 đến 1983. Làm việc tiếp tục tại bệnh viện An Bình (là bệnh viện Triều Châu, Saigon, trước 1975) từ 1983 đến 2009 với chức vụ là Trưởng Khoa X Quang đồng thời là chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh (là tên mới của ngành X Quang) Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Saigon.

- Được mời sang Pháp làm giảng sư X Quang (Maitre de conférences invité en Radiologie) tại Đại học Y khoa Nancy những năm 1997, 1998 và 1999.

- Nghỉ hưu năm 2009 nhưng tiếp tục làm việc tại Trung tâm Chẩn đoán Y Khoa Medic và giảng dạy tại các viện, trường cho đến năm 2013.

- Định cư tại Hoa Kỳ, bang North Carolina năm 2013 theo diện đoàn tụ gia đình.

- Từ năm 2014, lập một Website về Chẩn đoán hình ảnh <www.cdhanqk.com> để truyền đạt các kiến thức chuyên môn X Quang tới các đồng nghiệp và sinh viên Y khoa cùng các kỹ thuật viên X Quang.

QL=Thưa quý thính giả, vừa rồi là phần giới thiệu BS. Nguyễn Quý Khoáng.

Chúng tôi xin bắt đầu đề tài của chương trình ngày hôm nay là bàn về ĐAU KHỔ.

1/ QL= Trong cuộc sống của chúng ta, trong đời sống hằng ngày, trong văn chương, trong tôn giáo, trong đời thực, từ cổ chí kim, từ Đông qua Tây, không bao giờ  mà chúng ta thấy thiếu đề tài và ví dụ về nỗi đau, đau khổ tinh thần, đau đớn thể xác. Đề tài buổi nói chuyện hôm nay là nói về sự Đau Khổ, xin BS. Khoáng cho chúng ta một vài ví dụ về đau khổ trong cuộc sống hiện đại.

QK= Như chúng ta vẫn thường nghe trong dân gian Việt Nam: “Đời là bể khổ” hoặc theo Đạo Phật: “Nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn cả bốn biển”. Điều này  quá rõ khi chúng ta thấy không ở đâu, trên trái đất này, con người được yên ổn cả: Không thiên tai (bão tố, lốc xoáy, núi lửa phun, động đất, lụt lội, cháy rừng…) thì dịch bệnh (dịch hạch, dịch tả, dịch cúm...), ngoài ra còn khủng bố, chiến tranh…Thế giới này tựa một ngôi nhà đang cháy mà nhân loại cứ nhởn nhơ, vui đùa như không hay biết gì! Đó là ẩn dụ của ngôi nhà lửa trong Kinh Pháp Hoa, theo nghĩa bóng là lửa tham, lửa sân, lửa si. Tuy nhiên, còn có nghĩa đen nữa vì không ngày nào là không có lửa do đạn bắn vì cướp bóc, khủng bố, chiến tranh... ở một nơi nào đó trên trái đất này.

Nếu không bị cái tưởng lôi cuốn thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng mỗi khi nghĩ đến tương lai thì mình lại bất an. Chỉ cần một chuyện bất trắc đến với mình hoặc với người thân thì cuộc sống gia đình sẽ bị đảo lộn ngay. Ai biết được ngày mai sẽ ra sao! Danh vọng, tiền của, sắc đẹp mà con người cố gắng giành giật trong cuộc sống chỉ như xây lâu đài trên cát, như dã tràng xe cát Biển Đông, có ai đem chúng theo được đâu khi phải lìa xa thế gian này. Có ai dám thách đố tai nạn, cái già, cái bệnh, cái chết không? Với thời gian, mình sẽ bị lão hóa và sức khỏe không còn như trước nữa, rồi “lực sẽ bất tòng tâm” (nghĩa là muốn làm một việc gì nhưng sức khỏe không cho phép). Chưa kể bệnh tật tự nhiên ập đến khiến mình không thể làm chủ được mình nữa, lúc đó mình phải nhờ vả, lệ thuộc vào người khác và mình sẽ làm khổ người thân của mình. Rồi khi Thần Chết đến, thì mình phải dạ chứ sao!

   Thật sự không cần nói đâu xa, vừa qua, nhân dân Hoa kỳ đau khổ vì dịch cúm Vũ Hán khiến họ lo lắng, sợ sệt bị mắc bệnh , phải vào bệnh viện thở máy. Rồi đến  các cuộc biểu tình tại nhiều bang sau vụ người da đen George Floyd bị cảnh sát Mỹ cố sát dẫn đến các bạo loạn, cướp bóc, giết người như ở Seattle, Portland, Chicago, New York khiến người dân bất an, đau khổ... Và gần đây là vụ nổ ở cảng Beirut, thủ đô Lebanon, các lụt lội khủng khiếp tại các tỉnh quanh sông Trường Giang ở Trung quốc cũng như những vụ cháy rừng khó kiểm soát tại California và bão Laura tại Louisiana và Texas...Ngày 11 tháng 9 vừa qua, nước Hoa Kỳ đã kỷ niệm 19 năm vụ khủng bố tại tòa tháp đôi ở New York khiến 3000 người chết và 6000 người bị thương.

II/ QL= Triết học là một ngành học tìm hiểu về những vấn đề liên hệ đến đời sống tâm linh của chúng ta, vậy triết học định nghĩa như thế nào về sự Đau Khổ? Xin mời BS Khoáng chia sẻ với thính giả.

QK= Trước những đau khổ trong cõi nhân sinh, nhiều triết gia đã đưa ra những quan điểm khác nhau về vấn đề đau khổ. Để trình bày cho rõ ràng, chúng tôi tạm phân 2 nhóm: triết gia duy vật và triết gia duy tâm vì các triết gia duy vật cho rằng nguyên nhân đau khổ là ngoại lai (nghĩa là từ bên ngoài tác động vào) trong khi theo các triết gia duy tâm, nguyên nhân đau khổ là nội tại (nghĩa là nằm trong chính mỗi người chúng ta).

1/ Triết gia duy vật:

-JP.Sartre là triết gia bi quan về con người và về cuộc đời. Quan niệm của ông về cuộc đời là đáng “buồn nôn” và chỉ ra tha nhân là nguyên nhân gây đau khổ cho bản thân. Ông là một trong những tác giả của chủ nghĩa hiện sinh đưa đến phong trào Hippie vào những năm 1960- 1970 tại Hoa Kỳ và các nước Châu Âu rồi trên khắp thế giới.                                                                                                                                              

- Karl Marx cho rằng nguyên nhân rộng lớn hơn, đó là xã hội và chính xã hội tư bản đã tha hóa con người. Họ cho rằng giai cấp tư bản thống trị, áp bức và bóc lột người lao động, nhất là giai cấp công nhân và nông dân. Ông là cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản mà Lénine đã ứng dụng để giải phóng nước Nga năm 1917 khỏi chế độ quân chủ.

2/ Triết gia duy tâm:

-Lão tử cho rằng đau khổ là do con người không chấp nhận thực tại tức là không biết chấp nhận số phận của mình, không bằng lòng với những gì mình đang có. Theo ông, chấp nhận đau khổ là sống thuận theo tự nhiên.

- Heidegger cho rằng con người đau khổ vì chết là định mệnh chờ đợi con người. Con người bị ném vào cuộc sống bấp bênh, lo âu, sợ hãi khiến họ phải đối mặt với hư vô, với tính vô nghĩa của mọi nỗ lực.

- Còn Schopenhauer cho rằng đau khổ là do nhu cầu không được thỏa mãn và nếu nhu cầu này được thỏa mãn thì lại có những nhu cầu khác nổi lên.

III/ QL= Người ta thường cho rằng tôn giáo có mục đích an ủi con người trong nỗi bất hạnh, đau khổ. Như vậy hẳn mỗi tôn giáo đã có định nghĩa như thế nào về sự đau khổ. Chúng ta sẽ chú ý đến hai tôn giáo lớn trong cộng đồng người Việt là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Xin mời BS. Khoáng trình bày quan niệm về Đau Khổ của Thiên chúa giáo trước.

QK= Trong cuốn “Thiên Chúa không muốn sự đau khổ cho con người”( Dieu ne veut pas la souffrance des hommes), Jean-Claude Larchet cho ta một gợi ý khá rõ ràng về nguồn gốc của đau khổ. Trước hết, tác giả khẳng định rằng “đau khổ là điều nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và Ngài không phải là tác giả của đau khổ. Điều đó được thể hiện trong biến cố tạo dựng từ ban đầu và ngay cả sau cuộc sáng tạo, điều đó cũng không được lặp lại.”. Thứ đến, tác giả cũng trình bày nguyên do của đau khổ đến từ con người và chính con người là chủ thể, đau khổ như là “một hậu quả của tội tổ tông  đã được khắc ghi nơi bản tính con người. Vì hậu quả của tội Adam và Eva nên mọi người sau phải chịu, do đó con người là chủ thể của đau khổ.”    

Thiên Chúa được gọi là Đấng Cứu Thế, chắc chắn với bản chất là tình yêu, Ngài không phải là nguyên nhân cũng không muốn ai phải đau khổ. Phải khẳng định rằng đau khổ là hậu quả của tội lỗi, tất cả chỉ do con người gây nên đau khổ cho mình và cho đồng loại.

Theo Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trước tiên, cần công nhận vấn đề đau khổ là một mầu nhiệm liên quan đến mầu nhiệm của tội đã được mặc khải trong Thánh Kinh. “Thiên Chúa toàn năng, Đấng vô cùng tốt lành, hẳn đã không cho phép sự dữ nào xảy ra trong các công trình của Ngài . . . Nếu Ngài cho phép đau khổ xảy ra, chính là vì đau khổ cần cho sự cứu rỗi của nhân loại.”

Trong Đức Giêsu Kitô, đau khổ và giải thoát gặp nhau, cả hai được liên kết với nhau. Nơi Đức Giêsu Kitô, con người đau khổ có thể tìm thấy câu trả lời dứt khoát và đầy đủ. Quả thực, khi hiểu được ý nghĩa và mục đích, và mỗi khi biết đón nhận và thánh hóa, đau khổ sẽ trở thành hạnh phúc và mang lại niềm hân hoan cho bản thân và tha nhân.

IV/QL= Đức Phật Thích-Ca khi thuyết pháp lần đầu tiên đã nói đến Tứ-diệu-đế, mà đệ nhất Diệu Đế là Khổ-đế. Như vậy đối với nhà Phật, Khổ là điều đương nhiên, ai sinh ra đời cũng thấy “khổ” rồi. Xin mời BS Khoáng giải thích quan niệm về Khổ theo đạo Phật.

QK=   Chân lý có nghĩa là một sự kiện hiển nhiên, không còn tranh luận.Theo Phật Giáo, có bốn Chân lý như thế, đó là Tứ Diệu Đế. Bài kinh quan trọng đầu tiên được Đức Phật Thích Ca giảng tại vườn Lộc Uyển cho bốn anh em ông Kiều Trần Như. Bài giảng này đề cập đến bốn Chân lý thâm diệu (Tứ Diệu Đế) mà chính Đức Phật đã khám phá ra do trí tuệ của Ngài.

Chân lý đầu tiên đề cập đến Dukkha, có nghĩa là đau khổ hay phiền não. Đứng về phương diện cảm giác, Dukkha là cái gì làm cho ta khó chịu đựng ("du" là khó, "kha" là chịu đựng) hoặc là bất như ý (tiếng Mỹ gọi là “unsatisfactory”).

Người phàm chỉ thấy bề ngoài, nhưng  thánh nhân thấy được thực tướng của sự vật. Đối với các Ngài, tất cả mọi kiếp sinh tồn đều đầy đau khổ và các Ngài nhận thấy rằng không thể có hạnh phúc thật sự trong một thế giới huyền ảo và vô thường. Hạnh phúc vật chất chỉ là thỏa mãn một vài ước vọng. Nhưng  khi ta vừa đạt đến thì nó vội lìa bỏ ta, dục vọng không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn, không bao giờ ta cho là đủ.

       Nhân sinh quan Phật giáo cho rằng "đời là bể khổ"; con người ai ai cũng phải chịu tám cái khổ (bát khổ), đó là :

1.Sinh khổ

Con  người  khổ từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Con phải nằm trong bụng mẹ chật hẹp, cũng là khổ. Mẹ phải mang nặng đẻ đau biết bao khó nhọc, đó là khổ. Sinh con ra rồi thì cha mẹ phải mưu kế sinh nhai , nuôi nấng cho con nên người. Đó là khổ.

2.Lão khổ

Khi đến tuổi già thì thân thể trở nên suy yếu, mắt mờ, tai điếc. Đó là khổ.

3.Bệnh khổ

Con người phải chịu đau đớn, khổ sở cả về thể xác lẫn tinh thần khi mắc bệnh. Đó là khổ.

      4.Tử khổ

Khi sắp chết thì tinh thần sợ hãi, ngộp thở rất khổ. Chết đi rồi thì thân xác phân hủy, hôi tanh. Gia quyến đau lòng. Đó là khổ.

      5.Ái biệt ly khổ

Con người phải chịu khổ khi yêu mà lại phải xa lìa người mình yêu. Có hai loại ái biệt ly khổ: sinh ly (chia lìa nhau khi còn sống) và tử biệt (chia cắt nhau khi chết).

      6- Sở cầu bất đắc khổ 

Con người khổ khi không được toại nguyện lòng tham muốn, sự khao khát của bản thân . Chẳng hạn, lúc đói chỉ cầu có cái ăn cái mặc, lúc no lại muốn giàu sang phú quý.

Con người chịu khổ khi phải tiếp xúc, sống chung với những người mà họ không thích , thậm chí  oán ghét.

     8-Ngũ uẩn khổ 

Con người khổ vì có sự hội tụ và xung đột của ngũ uẩn ( sắc, thọ, tưởng, hành và thức) trong cơ thể. Chẳng hạn, thân thể suy kiệt quá hoặc béo phì quá cũng khổ, mơ ước (tưởng tượng) quá thì cũng khổ.

 

V/ QL= Từ bậc triết gia cho đến người thường như chúng ta, ai cũng thấy là sinh ra đời là khổ, rất khó tránh được sự đau khổ. Như vậy muốn chữa được “bệnh Đau Khổ”, chúng ta cần biết nguyên nhân sự “Đau Khổ”, cũng như thầy thuốc chữa bệnh cần phải biết nguyên nhân của căn bệnh. Xin mời BS. Khoáng chia sẻ với thính giả những nguyên nhân của sự Đau Khổ.

Hình minh họa

QK Theo tôi, có 3 loại nguyên nhân chính của đau khổ:

1/ Nội tại=

        a/ Cấu tạo  cơ thể và sinh lý của con người: Cơ thể con người được tạo lập bởi các hệ thống, mỗi hệ thống gồm nhiều cơ quan hoạt động hoàn toàn độc lập, ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Các cơ quan thay đổi hàng giây, hàng phút... do  các tế bào già cỗi chết đi được tự động thay thế bằng các tế bào mới. Chính vì thế mà cơ thể con người chịu định luật thành, trụ, hoại, không của thiên nhiên mà Đạo Phật gọi là sinh, lão, bệnh, tử.

        b/ Tâm lý và tâm linh:

            - Do tính ganh tỵ , thường so bì với người khác hoặc do tham lam, không bao giờ biết đủ.

2/ Ngoại lai=

a/ Thiên tai, dịch bệnh= Chúng ta thật nhỏ bé trước sức mạnh của thiên nhiên khi chứng kiến một đợt sóng thần, một cơn lốc xoáy, một trận bão... Chúng ta thường đổ lỗi cho thiên nhiên gây nên những thiên tai hoặc dịch bệnh  nhưng xét cho cùng, loài người cũng gián tiếp hoặc trực tiếp gây nên những tai họa trên như phá rừng, làm ô nhiễm môi trường, tạo nên hiệu ứng nhà kính...

b/ Người hành hạ người= Nhẹ thì là chủ hành hạ tớ trong nhà, trung bình là dụ dỗ, bắt cóc để làm nô lệ, buôn bán tình dục, còn nặng hơn thì là chiến tranh, khủng bố bằng cách giết người dã man như nhóm Nhà nước Hồi giáo ISIS...Đau lòng thay là giờ đây, đạo đức suy đồi nên ngay trong gia đình, cũng có sự hành hạ nhau giữa con cái và cha mẹ.

3/ Siêu hình (theo triết lý Đạo Phật)=

-Do vô minh (nghĩa là không biết rõ lẽ thật) nên mình chấp ngã (nghĩa là xem cái tôi là thật). Cũng chính cái Chấp ngã này đã đem lại bao nhiêu đau khổ, phiền toái cho mỗi chúng ta. Tại sao vậy?

Nếu ta chấp vào cái Ta nghĩa là tự xem cái Ta có thật, cái Tôi to lớn (vì tự đồng hoá mình với danh xưng, chức vụ, địa vị trong xã hội …) thì nếu ai động chạm tự ái của mình như nói xấu, mắng nhiếc…thì ta sẽ nổi sân lên.

 Ngoài ra, chính vì quan niệm rằng ta có một cái tôi thật sự khác biệt với mọi người nên ta muốn (cả ta và chính người thân của ta) hơn người khác về mọi mặt như học giỏi hơn, địa vị cao hơn, giàu có hơn…Chỉ vì lòng tham mà ta bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những điều đó.

-Do nghiệp báo như trong Kinh Pháp Cú có câu số 2:

"Tâm dẫn đầu mọi hành động. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả. Nếu nói hay làm với tâm ác thì do đó, đau khổ sẽ theo liền với ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo”.

VI/QL= Người đời chúng ta ai cũng thích sự vui vẻ, sự an nhàn thảnh thơi của tâm trí, không ai thích chịu đựng những sự đau khổ. Vậy chúng ta có thể nào hay có phương cách nào ngăn cản sự Đau Khổ đến với mình không?

QK=  Chúng ta nhớ rằng Đau khổ đã có từ khi loài người có mặt trên trái đất này nhưng chính Đức Phật là người đã phát hiện ra khi ngài còn là thái tử nhân dịp đi thăm các cổng thành của nước Ca-Tì-La-Vệ. Ba cổng thành đầu cho ngài thấy Lão, Bệnh và Tử, lần qua cổng thành thứ tư cho thấy con đường thoát khổ.

       Khổ đau là một thực tại không ai có thể chối cãi được, nhưng tính chất của nó vốn không cố định. Ta cần phải biết ơn khổ đau vì nó vừa giúp ta ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp khả năng chịu đựng lớn mạnh để ta có thể phát huy hết khả năng sẳn có nơi chính mình. Nếu chúng ta không bị lạc đường trong đêm tối, ta sẽ khó biết mình sợ hãi đến mức nào cũng như nếu không bị người khác xúc phạm, ta sẽ khó biết mình nóng giận nhiều hay ít. Thông qua những chướng duyên nghịch cảnh của sự sống, ta mới thấy rõ những nỗi khổ  đã tiềm ẩn sẵn bên ta do cố chấp thân tâm này làm ngã.

  Thực ra, khổ đau không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực đáng chán, đáng sợ. Ngược lại, có nhiều lúc chúng ta cần có đau khổ để thức tỉnh bản thân. Như vậy, đau khổ là một vị thầy, nhắc nhở chúng ta biết hồi đầu hướng thiện. Cho nên trong 2 câu đầu của 10 điều tâm niệm trong Luận Bảo Vương Tam muội, Phật có dạy:        

1/ Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật, vì không bệnh tật thì dục vọng dễ sanh.

2/ Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu sa nổi dậy”.

Đa số chúng ta chỉ biết oán than và lo sợ. Chính tâm phiền não và sợ hãi này đã che lấp tuệ giác của mình khiến mình không thấy rõ giá trị của bệnh khổ và hoạn nạn. Phật dạy rằng khi mình thật sự cảm nhận được nỗi đau khổ trực tiếp, mình buông bỏ ngay lập tức , cũng giống như khi mình đụng tay vào cái chảo sắt nóng thì tự nhiên mình sẽ rút tay lại. Đúng là: “Khổ đau là bạn, hoạn nạn là thầy”.

VII/ QL= Triết gia Descartes có nói: “Tôi suy tư tức là tôi hiện hữu” ( Je pense, donc je suis). Tương tự chúng ta có thể nói rằng Tôi đau khổ là tôi hiện hữu không? Cuộc sống của con người có cần đến sự đau khổ không? Xin mời BS. Khoáng chia sẻ.

QK=   Trước kia, khi còn trẻ, tôi rất thán phục Descartes (sống vào thế kỷ 17 và là cha đẻ của triết học hiện đại) qua câu: “Tôi suy tư, tức là tôi hiện hữu” (Je pense donc je suis- Cogito ergo sum). Nhưng sau này, tôi thắc mắc về lập luận này vì nếu tôi không suy tư (ví dụ như tôi ở trong trạng thái nhập thiền) thì tôi không hiện hữu sao? Hay nói một cách đơn giản là khi tôi ngủ say, không mộng mị thì tôi không hiện hữu sao? Chính vì thế mà tôi nghĩ “Tôi đau khổ là tôi hiện hữu” nhưng “Tôi hạnh phúc cũng là tôi hiện hữu”.

       Vậy đau khổ có cần thiết cho đời sống và có mang lại lợi ích gì cho con người không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nên trở về lịch sử cuộc đời của Đức Phật. Khi còn là thái tử, trong lúc dạo chơi ngoài thành, Ngài đã trực tiếp nhìn thấy khổ đau qua hình ảnh người già, người bệnh và người chết. Ngài kinh ngạc phát hiện ra rằng những khổ đau này không chừa ai cả! Như Xa-nặc (người đánh xe ngựa cho Ngài) đã trả lời: “Hễ làm người thì phải có lão, có bệnh  và có tử. Không ai có thể tránh khỏi”. Ngài lại càng ngạc nhiên thêm khi thấy hầu như ai cũng mặc nhiên chấp nhận sự thật này mà không hề làm một cái gì đó để thoát ra. Khổ đau là đầu mối khiến Thái tử Tất-Đạt-Đa ưu tư không dứt và là nguyên nhân chính khiến Ngài quyết tâm cầu Đạo giải thoát.

Cái mà chúng ta kinh nghiệm nhiều nhất đó là đau khổ. Và chính vì vậy, Đức Phật đã dạy chúng ta cách nhìn ra sự thật về đau khổ để tìm con đường diệt khổ (Đạo đế). Sự thật mà nói, dù chúng ta đã trải nghiệm nhiều về đau khổ, nhưng phần nhiều chúng ta chỉ biết sợ khổ và hầu như, ít khi nào học được gì nhiều từ đau khổ. Bằng chứng là chúng ta luôn chạy theo vật dục để kiếm tìm hạnh phúc và cố tránh né, càng nhiều càng tốt, tất cả những gì mang lại khổ đau. Thậm chí mình phát tâm tu là cũng vì ‘sợ khổ’. Thế mà oái oăm thay, mình lại cứ đụng phải khổ đau hoài!

Nói đến khổ đau, chúng ta thường có ác cảm với nó, nhưng giá trị, đức độ của người biết sống, biết tu nằm ở chỗ là trong khổ đau mà không bị khổ đau ràng buộc, níu kéo, chìm đắm, trôi lăn trong phiền não. Biết lấy khổ đau làm phương tiện tu hành, hành trì để biết tâm mình tới đâu, lòng mình thế nào, chí mình ra sao? Chỉ có khổ đau và vượt qua khổ đau mới nâng tâm hồn con người  lên nấc thang cao thượng của trí tuệ và đạo đức mà thôi. Hãy nhìn khổ đau như phần tất yếu cuộc sống, biết nó và hãy vượt qua nó và làm chủ được nó, khi đó mới là người biết sống, người tu chân chính. 

VIII/ QL= Chúng ta ai cũng mong được hạnh phúc, chúc cho nhau được hạnh phúc. Như vậy, hạnh phúc có phải là sự trái ngược của đau khổ không, có nghĩa là khi con người không đau khổ có phải con người hạnh phúc không? Xin mời BS. Khoáng trình bày.

QKCon người luôn luôn tìm cầu hạnh phúc và ghét đau khổ, nhưng hạnh phúc là một hình thức vi tế của khổ đau. Ngài Ajahn Chah , vị Thiền sư nổi tiếng của Thái Lan đã nói: Chúng ta có thể so sánh hạnh phúc và khổ đau với một con rắn. Đầu rắn là đau khổ, đuôi rắn là hạnh phúc. Đầu rắn rất nguy hiểm vì có răng độc. Nếu đụng vào đầu rắn, rắn sẽ cắn ngay. Nhưng nói chi đến đầu, bạn chỉ cần sờ vào đuôi rắn, rắn cũng quay đầu lại cắn bạn liền bởi vì cả đầu lẫn đuôi đều thuộc về một con rắn. Cũng thế, hạnh phúc và đau khổ, vui và buồn, đều khởi từ một con rắn. Đó là tham muốn. Bởi thế, khi có hạnh phúc thì tâm chưa hẳn đã có an bình thật sự. Chẳng hạn khi ta có được vật ưa thích như giàu sang, uy quyền, lời tán dương thì chúng ta hài lòng vui thích, nhưng tâm vẫn bất an vì lo sợ mất chúng. Sự bất an, sợ hãi này không phải là trạng thái hạnh phúc. Sau này, có thể chúng ta sẽ thực sự mất những thứ ấy, rồi sẽ thực sự đau khổ. Bởi vậy, nếu chúng ta không chánh niệm và ý thức sáng suốt ngay cả khi đang hạnh phúc thì đau khổ sẽ sẵn sàng nhảy vào. Đó là trường hợp nắm phải đuôi rắn, nếu ta không buông ra ắt sẽ bị rắn cắn. Vì tất cả mọi thứ, cho dù đó là đầu rắn hay đuôi rắn, là việc bất thiện hay việc thiện, đều là những đặc tính của luân hồi sinh tử”.

Nhà Đạo học nổi tiếng thế giới Krishnamurti đã có một số nhận xét rất đáng suy gẫm về sự đau khổ thuộc phạm vi tâm lý. Theo ông, khi chúng ta cho rằng hạnh phúc là đối nghịch với đau khổ thì hãy coi chừng vì chúng ta chỉ muốn lẩn trốn khỏi đau khổ là sự thật đang xảy ra với mình bằng những ảo tưởng mà thôi. Khi tôi đau khổ, khi ấy hoạt động mãnh liệt của cái gọi là “tự ngã” (cái tôi) luôn phóng đại, luôn muốn sự an toàn thường hằng… khiến tôi tìm cách lẩn tránh, chạy trốn nỗi đau khổ đó. Thế là tôi chạy theo để thu đạt, sở hữu cái gọi là “hạnh phúc” mà thật ra chỉ là từ ngữ, là nhãn hiệu trong đầu mà tôi đã gán ghép là sự đối nghịch của đau khổ. Rất nhiều trường hợp, “hạnh phúc” đó đưa đến “lợi mình, hại người”. Theo Krishnamurti, không hy vọng, tham cầu hạnh phúc để “trị” đau khổ mà chỉ cần giáp mặt, sống trọn vẹn với đau khổ, tỉnh thức và thấu hiểu đau khổ. Giống như chân lý “Diệt đế” của Đức Phật: “Một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt”.

Vậy dù hạnh phúc hay khổ đau thì cũng đều là khổ. Và sự buông xả, thảnh thơi, thong dong trong mọi trường hợp, là kết quả của sự tu tập lâu dài, mang lại cho hành giả một sự thoải mái, an lạc.

Chính cái khổ đau ấy sẽ giúp ta nhận ra được giá trị của hạnh phúc. Cũng như đã từng bị đói, ta mới biết cái quý giá của thức ăn; đã từng chịu cái giá rét của mùa Đông, ta mới mong đợi nắng ấm về; đã từng bị mất mát chia lìa, ta mới nâng niu từng phút giây đoàn tụ; đã từng trải qua tai nạn thập tử nhất sinh, ta mới yêu thương thật sự cuộc đời này. Cho nên ta đừng sợ khổ đau, cũng đừng chia cắt rạch ròi giữa hạnh phúc và khổ đau, vì nếu không có khổ đau thì ta sẽ không biết thế nào là hạnh phúc.

Ý niệm hạnh phúc chỉ có khi con người biết cảm nhận khổ đau. Hạnh phúc không thể thiếu khổ đau và cũng không thể tách rời với khổ đau. Vậy còn nơi nào tuyệt diệu hơn cõi đời này, vì nó có cả hạnh phúc lẫn khổ đau!

IX/ QL= Về phương diện cá nhân, hầu hết đều mong kiếm thật nhiều tiền để có một đời sống tiện nghi, để có phương tiện làm những điều mình thích. Trên bình diện quốc gia xã hội, vị nguyên thủ nào cũng xem kinh tế của quốc gia mình là quan trọng hơn hết. Như vậy, tiền bạc, của cải, nói chung những điều kiện vật chất có thể làm chúng ta bớt hay hết đau khổ không? Xin mời BS. Khoáng chia sẻ ý kiến.

QK= Vào tháng 4 năm 1988, Howard Dickinson người Mỹ đã làm cuộc khảo sát có tên là “Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào điều gì?”. Ông đã phân phát 10.000 bản câu hỏi cho người dân trong một thành phố. Trong hơn 2 tháng, Howard Dickinson đã thu hồi được hơn 5.200 bản trả lời câu hỏi hợp lệ.

Kết quả của cuộc khảo sát này khiến Howard Dickinson rất hứng khởi, ông đã viết ra kết luận như thế này: “Trên thế giới này có hai loại người hạnh phúc nhất: Một là những người sống đạm bạc yên bình, hai là những người thành công nổi tiếng”.

Vào tháng 6 năm 2009, nghĩa là gần 20 năm sau, ông rất hiếu  kỳ muốn biết điều gì đã xảy ra với những người cảm thấy mình “hạnh phúc” vào năm 1988 đó và hiện nay ra sao? Có phải họ vẫn cảm thấy bản thân hạnh phúc hay không? Ông tìm lại địa chỉ liên lạc của những người đó và một lần nữa bỏ ra hơn ba tháng làm cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy những năm gần đây, cuộc sống của những người thành công nổi tiếng và cảm thấy hạnh phúc trước kia lại xảy ra những biến cố cực lớn. Có một số người, vì sự nghiệp xuống dốc hoặc phá sản, không còn chọn “hạnh phúc” nữa mà lựa chọn “thống khổ” hoặc “vô cùng thống khổ” trong bản trả lời khảo sát của họ.

Lần này Howard Dickinson tổng kết: Tất  cả cảm giác hạnh phúc dựa trên vật chất đều không thể kéo dài, nó sẽ biến mất khi vật chất biến mất. Chỉ có sự yên bình và tĩnh lặng trong tâm hồn, niềm vui được sinh ra từ thân tâm, mới thật sự là hạnh phúc”.

Phải chăng “sự yên bình và tĩnh lặng trong tâm hồn” mà Howard Dickinson cho rằng đó thật sự là hạnh phúc chẳng phải là sự buông xả hay sao?

     Người ta vẫn thường nói rằng nghèo là khổ, nghèo khổ, chứ ít ai nói giàu khổ cả. Thật ra, người nghèo có nỗi khổ của người nghèo mà người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo vì không chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn được giàu nên mới khổ. Còn người giàu lại sợ bấy nhiêu tài sản chưa đủ làm người khác nể phục, sợ bị phá sản, sợ bị kẻ xấu lợi dụng hay hãm hại nên mới khổ. So ra cái khổ của người giàu còn phức tạp và nan giải hơn người nghèo.

Không ai có thể làm cho ta khổ được cả, nếu ta có hiểu biết đúng đắn và khả năng chấp nhận đủ lớn. Để có được khả năng chấp nhận rộng lớn, ta cần phải biết thu gọn lại những mong cầu không cần thiết của mình. Ngay cả với những điều được cho là chính đáng, nếu thấy không có nó mà ta vẫn có thể sống vững vàng và hạnh phúc được, thì ta cũng nên cố gắng khước từ để tâm ta bớt lệ thuộc vào hoàn cảnh. Nhờ vậy, khi hoàn cảnh biến động thì ta vẫn an nhiên bất động. Đúng, khổ đau là một thực tại không thể chối cãi, nhưng đó chỉ là do trình độ cảm nhận của con người. TT. Thích Minh Niệm, trong quyển “Hiểu về trái tim” đã nói: “Khổ đau vốn không phải là bản chất đã định sẵn của cuộc đời này. Bởi xét cho cùng thì không có gì là đau khổ cả. Do guồng máy tâm thức trong ta vận hành sai lệch, nên nó đã tạo ra những phản ứng chống đối lại những hoàn cảnh mà nó cho là trái nghịch. Rất may, guồng máy tâm thức ấy là một hợp thể linh động, nên có thể điều chỉnh được. Chỉ cần ta có nhận thức đúng đắn thì mọi cảm xúc trong ta đều không ngừng tương tác với vạn vật, để tâm lý không tiếp tục tạo ra những phản ứng ích kỷ, tiêu cực”

X/ QL= Đến câu hỏi cuối cùng cho buổi nói chuyện hôm nay, xin mời BS. Khoáng đóng góp ý kiến về điều gì có thể giúp chúng ta bớt hay hết đau khổ?

QK=  Để trả lời câu hỏi này, xin cho phép tôi  trở lại phần nguyên nhân (đã bàn ở câu số 5) thì sẽ rõ cách làm sao cho bớt hoặc hết khổ đau một cách cụ thể:

1/ Nội tại= Trừ những người bị khiếm khuyết, dị tật bẩm sinh hoặc tai nạn, đa số  chúng ta đều có thân thể lành lặn, tinh thần minh mẫn thì chúng ta phải biết trân quý, giữ gìn sức khỏe để không phải hối tiếc vì bị nghiện ngập, bệnh tật...Những người tự hủy hoại bản thân mình phải xấu hổ với những người bị khuyết tật nhưng vẫn phấn đấu trong cuộc sống như Nick Vujicic (người bị khuyết tật tứ chi) hay Hellen Keller (người vừa khiếm thị và khiếm thính)... Họ bị tàn nhưng không bị phế.

b/ Tâm lý và tâm linh:

2/ Ngoại lai=

a/ Thiên tai, dịch bệnh= Trước những thiên tai hoặc dịch bệnh, chúng ta phải chấp nhận và cố nghe theo hướng dẫn của chính quyền và  Y tế sở tại để lánh nạn, phòng ngừa.

b/ Người hành hạ người= Cố gắng không dính vào các việc hành hạ người khác, các đường dây buôn người, các nhóm khủng bố.

Hình minh họa

3/ Siêu hình (theo triết lý Đạo Phật)=

-Do vô minh nên mình chấp ngã, từ đó sinh tham sân và đau khổ. Đức Phật muốn cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi đau khổ, mặc dù biết rằng đau khổ đó chỉ là ảo tưởng chứ không phải thật, nhưng vì chúng sinh chấp là thật nên phải chịu đau khổ. Chẳng hạn con người chấp cái ta là có thật (chấp ngã) do đó cũng chấp cái của ta (ngã sở) là có thật, ví dụ thân bệnh cũng khổ, cái gì của ta như tài sản, tài nguyên bị đe dọa mất mát thì sinh lòng lo âu, quyết tâm đem cả thân mạng ra bảo vệ, dẫn đến chiến tranh, đau khổ. Tóm lại Đức Phật chỉ quan tâm đến cái tâm lý chủ quan của chúng sinh, mà thuật ngữ Phật giáo gọi là chấp trước tưởng. Đức Phật muốn chúng sinh, chủ yếu là con người, buông bỏ chấp trước tưởng mà kiến tánh, tức ngộ được bản chất chân thật của mình. Bản chất đó là bản lai diện mục của chúng sinh, còn gọi Phật tánh.

-Do nghiệp báo nên Đức Phật khuyên phải giữ Thân , Khẩu, Ý trong sạch để không gây thêm các nghiệp mới và tạo thêm phước đức để tránh bớt đau khổ. Thiền định đ hóa giải nghiệp lực do vô minh tạo ra trong quá khứ.

QL= Thời gian dành cho chương trình Văn Hóa Việt sắp chấm dứt. Chúng tôi xin mời BS Khoáng cho lời kết về đề tài hôm nay.

QK= Để kết thúc bài nói chuyện hôm nay, tôi xin phép kể một câu chuyện đã xẩy ra cho tôi 43 năm về trước:

       Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Y khoa, vợ chồng chúng tôi được điều về bệnh viện Đa khoa Tỉnh Tây Ninh công tác, con chúng tôi mới được 12 tháng tuổi. Tại vùng đất đỏ miền Đông khô cằn và nóng gắt, có một kỷ niệm không bao giờ tôi quên. Sau một đêm trực cực nhọc và buổi sáng hôm sau vẫn phải khám bệnh và cho toa thuốc, tôi mệt đừ người nhưng cũng may là được ra trực buổi trưa. Sau khi cơm nước xong, tôi cùng con trai nằm ngủ trưa trên giường. Nhà trọ bằng gỗ lợp tôn nên rất nóng khiến hai cha con vã mồ hôi và li bì trong giấc nồng. Bỗng nhiên con tôi bị tiêu chảy xối xả và ói mữa dữ dội khiến tôi hết hồn bồng cháu chạy một mạch đến bệnh viện. Từ nhà đến bệnh viện khoảng 500m nhưng sao hôm ấy tôi thấy xa quá, hơn nữa tôi phải băng qua một cánh đồng rộng lớn và khô cằn, không có một bóng người nào để nhờ cậy. Trời nắng chang chang, con tôi bị mất nước nặng, trợn ngược hai mắt lên và thở ngáp cá như cảnh tôi thường thấy khi trực Nội-Nhi. Sợ quá, hai chân bủn rủn, hai tay rụng rời, tôi khóc thét lên. Lúc đó tôi bừng tỉnh thấy mình đang nằm trên giường, người đẫm mồ hôi, tôi mừng quá vì con tôi vẫn ngủ yên bên cạnh mình. Thì ra chỉ là một giấc mộng ! Kỷ niệm này cứ ám ảnh tôi mãi đến bây giờ. Tôi tự hỏi, phải chăng người giác ngộ là người đã tỉnh giấc mộng đời và thấy hạnh phúc như tôi cũng đã có cảm giác ấy khi tôi tỉnh khỏi cơn ác mộng?  Dưới con mắt của một bậc giác, cuộc đời này vốn chỉ là một giấc mộng. Do đó, đau khổ cũng chỉ là giả mà thôi. Vậy vấn đề cốt lõi là hãy tỉnh giấc mộng đời này nghĩa là hãy giác ngộ như Phật thì hoàn toàn không còn đau khổ nữa.

Trước khi dứt lời, tôi xin cám ơn chị Quý Linh và đài Sài Gòn- Houston đã tổ chức buổi nói chuyện hôm nay. Xin cám ơn quý vị thính giả của đài SàiGòn- Houston đã theo dõi.

QL= Xin cảm ơn BS Nguyễn Quý Khoáng đã chia sẻ nhiều chi tiết rất hay về vấn đề  Đau Khổ.

Xin cảm ơn anh đã dành thời giờ quý báu đến với chương trình Văn Hóa Việt.

Xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình lần tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Bốn chân lý cao thượng, chương 17, Đức Phật và Phật pháp (The Buddha and his teachings), Đại Đức Narada, Cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch ra Việt ngữ.

2/ Đau Khổ theo Phật Giáo. Wikipedia.

3/ Đau khổ và phương thế thoát khổ theo nhãn quan Phật giáoLuận văn cuối khóa của sinh viên André Tường- Nguyễn văn Sửu/ Lm.M Vinh Sơn Liêm-Nguyễn Hồng Thanh, Đan viện Khiết tâm Thánh mẫu Phước Lý tháng 5 năm 2014.

4/ Đau Khổ Dưới Nhãn Quan Kitô Giáo. Lm. Phaolô Bùi Đình Cao

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 04, 26/06/2019.

5/ Cuộc đời có thật sự khổ đau hay không? TT.Thích Đạt Ma Phổ Giác

6/ Mười điều tâm niệm. Luận Bảo Vương Tam muội

7/ Gía trị của Khổ đau.  Cư sĩ Tuệ Nghiệp

8/ Chỉ là cội cây (mục 61: con rắn) Thiền Sư Ajahn Chah

9/ Hạnh phúc Đau khổ. TT Giác Đẳng

10/ Gía trị của Khổ đau. Cư sĩ Quang Minh/Thư viện Hoa Sen

11/ Hạnh phúc là buông xả.  GS.TS Nguyễn Hữu Đức

12/ Hiểu về trái tim ( 2 chương Hạnh Phúc và đau khổ). TT. Thích Minh Niệm

13/ Tỉnh rồi mà đã giác chưa? Thích nữ Huệ Trân

14/ Đối chiếu Khoa Học và Phật giáo. Cư sĩ Truyền Bình

15/ Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào điều gì? (What determines happiness?) BS Howard Dickinson, luận văn tiến sĩ Triết tại Đại học Columbia năm 1988.

16/ Ta là ai? BS Nguyễn Qúy Khoáng.

 Download